"Mẹ mi còn sống là may rồi !"
Trong một lần đi làm phụ hồ tại Hà Nội,ồnhậuchấnthươngtủysốngChắtchiuhạnhphúthôi chị Đào Thị Luận (ngụ xã Khuyến Nông, H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) sơ sẩy té ngã từ giàn giáo xuống đất, bị chấn thương tủy sống ngực. Đó là năm 2016, chị Luận 37 tuổi và hai đứa con của chị còn nhỏ.
Bị liệt từ ngực trở xuống, không tự chủ tiểu tiện..., thời gian đầu chị Luận nghĩ rằng bản thân không làm được cái gì nữa và đời mình coi như đã tàn. Đi viện về là chị lên giường nằm, quay mặt vào trong, không muốn nhìn ai. Sợ vợ "chán đời làm liều", anh Trần Văn Khương (cùng sinh năm 1979, chồng chị Luận) dời ổ điện và dây nhợ ra xa tầm tay của chị, còn thuốc uống thì đưa từng liều một chứ không để cả gói.
Những suy nghĩ tiêu cực ám lấy chị Luận gần 2 năm trời. Thi thoảng có mấy người ở những vùng lân cận cũng bị tổn thương tủy sống (TTTS) đến nhà thăm hỏi, động viên chị Luận. Chị thổ lộ: "Có những người gặp nạn trước em 3 - 4 năm, hoàn cảnh họ còn bi đát hơn em vì bị vợ hoặc chồng bỏ. Em thấy sao mà họ mạnh mẽ, nên từ từ em mới rứa đó".
"Mới rứa đó", theo lời chị Luận, là cố gắng sống tự lập, làm được việc gì thì làm. Hằng ngày, chị lo nội trợ cho gia đình. Do chưa thuần thục ngồi xe lăn làm việc nhà nên có vài lần cả xe lẫn người lật nhào, may mà chị chỉ bị xây xước nhẹ.
Cách đây mấy tháng, chị Luận được một người bạn cũng bị TTTS rủ đi bán tăm bông. Trên đường mưu sinh, chị gặp nhiều người tốt, nhưng cũng có những trải nghiệm đắng lòng. Một số khách nghi ngờ chị giả khuyết tật vì thấy chị không bị quặt quẹo tay chân và không nói đớ. Có người trước khi mua bịch tăm lại sờ nắn chân chị để "xem chân mày có liệt thật không!". Chị Luận ứa nước mắt, phân bua với khách: "Em đâu muốn ngồi xe lăn như thế này làm gì"...
Nói về tổ ấm của mình, chị Luận chân chất bày tỏ: "Gia đình em chỉ tội nghèo khổ thôi, chứ trước giờ vẫn sống hạnh phúc. Chồng em siêng năng, thương vợ con. Tụi em hay nói với nhau là mình phải cố gắng vượt qua khó khăn và thương yêu nhau, cho con cái có điểm tựa".
Gọi vợ thân mật bằng từ "hắn", gương mặt anh thợ hồ Trần Văn Khương khắc khổ, sạm đen thỉnh thoảng giãn ra bởi những câu hài hước của chính mình. Anh Khương kể: "Mấy năm đầu, mẹ đẻ hắn mà hắn cũng gắt chứ đừng nói em (cười). Hắn cứ bảo anh đi lấy vợ khác đi, tôi bây giờ là gánh nặng gia đình. Nhưng em luôn nói với vợ: Thôi thì mẹ mi còn sống là may rồi! Con còn mẹ là còn tất cả".
Trong những đợt đưa chị Luận đi điều trị, anh Khương phải ra ngoài làm phụ hồ. Anh tranh thủ giờ nghỉ trưa (nếu làm gần) và buổi tối chăm sóc cho vợ.
Chị Luận cho biết khi trái gió trở trời hoặc vào mùa lạnh, chị càng đau nhức và khó chịu. Có những hôm chân bị co giật liên hồi khiến chị phải cột chân lại. Do không tự chủ được, lắm lúc đau và mệt quá, chị tiêu tiểu luôn trên giường. Khi đó, anh Khương lại tất tả lo việc nội trợ, vệ sinh cho vợ, giặt giũ... mà không một lời phàn nàn.
Hơn 7 năm sau biến cố, tình cảm vợ chồng chị Luận thêm sâu nặng. Hai đứa con của anh chị đều học xong lớp 12 và đã đi làm, đỡ đần phần nào cho bố mẹ.
Thay đổi để thích nghi
"Cho đến bây giờ tôi cũng chưa hết buồn, đấy là thực tế. Nhưng mình phải cố gắng thay đổi để thích nghi môi trường sống khác trước". Đó là lời chia sẻ chân thật của anh Đặng Văn Trường (46 tuổi, quê quán Hà Nội).
Trước đây, anh Trường là công nhân lắp máy thuộc Tổng công ty xây dựng thủy điện Sông Đà. Năm 1999 (22 tuổi), anh vào miền Nam làm thợ cơ khí tự do, chẳng may gặp tai nạn lao động, dẫn tới TTTS ngực.
Sau khi được phẫu thuật cột sống, anh Trường nghĩ đơn giản chỉ cần điều trị thêm vài tháng là có thể đi lại bình thường. Nhưng qua 3 cái tết ròng rã trong bệnh viện (BV), đôi chân của anh vẫn bị liệt. Tuy vậy, nhờ kiên trì tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, anh đã có khả năng tự lập trong sinh hoạt hằng ngày.
Năm 2003, lúc anh Trường còn điều trị tại BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, tổ chức Handicap International của Bỉ đã ký kết với BV này thành lập Khoa TTTS đầu tiên trên cả nước. Anh nằm trong số những bệnh nhân được tuyển chọn, đào tạo kỹ năng hướng nghiệp và dạy nghề.
Nhờ đó, anh Trường biết làm miếng lót đệm giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị loét lòng bàn chân cho bệnh nhân tiểu đường và các dạng khuyết tật bàn chân cho người bệnh, nhất là làm các ngón tay, ngón chân, bàn tay thẩm mỹ. Hơn 20 năm nay, anh là nhân viên chính thức tại Xưởng dụng cụ chỉnh hình.
Không những vậy, anh còn làm tình nguyện viên tư vấn đồng đẳng (với sự quản lý của Khoa Phục hồi chức năng BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM) cho những bệnh nhân TTTS. Anh nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm về nhiều mặt trong cuộc sống, từ chăm sóc bản thân, tìm việc làm cho đến những vấn đề nhạy cảm như sinh hoạt vợ chồng, sức khỏe sinh sản hậu chấn thương tủy sống... nhằm giúp những người đồng bệnh bớt lo âu, có chỗ dựa tinh thần ngay cả sau khi họ xuất viện.
Đặc biệt, anh Trường lập gia đình sau khi đã bị TTTS. Vợ anh là chị Thúy Linh (hiện 45 tuổi, thợ may, bị khuyết tật nhẹ ở chân). Nhờ y học can thiệp, anh chị có được một đứa con, năm nay học lớp 8.
Suốt nhiều năm liền trước đây, cứ sau 8 tiếng làm việc tại xưởng, anh lại vượt 14 km về nhà phụ vợ may gia công, cắt chỉ tới khuya. Theo chị Thúy Linh, anh Trường cũng không quản ngại làm việc nhà, cùng vợ lo cho con ăn học. "Mặc dù bị bệnh nhưng mình phải nỗ lực để ít nhất lo được cho bản thân. Nếu mình không thể thực hiện trách nhiệm với vợ con được 8 phần thì mình cũng ráng đóng góp được 3 phần. Không nên viện cớ bị bệnh rồi phụ thuộc vào vợ và để mặc vợ lo các thứ", anh Trường bộc bạch.
Trước thực trạng không ít người TTTS bị vợ hoặc chồng bỏ, anh chia sẻ: "Tỷ lệ ly hôn trong xã hội hiện đại nhiều hơn ngày xưa, đó là thực tế chung chứ không riêng gì người TTTS. Tuy nhiên, có những người TTTS làm không có tiền, cộng với nhiều yếu tố khác khiến nguy cơ ly hôn của họ cao hơn". Dù vậy, anh Trường cho rằng nếu một người bị TTTS biết sắp xếp và quan tâm gia đình, thiếu cái này cố gắng bù cái kia thì vợ hoặc chồng họ sẽ thông cảm. (còn tiếp)
Cứ siêng năng và làm đúng...
Theo anh Đặng Văn Trường, do sự tự ti, mặc cảm, không tự lập của một số anh chị em khuyết tật nói chung và bị chấn thương tủy sống nói riêng dẫn đến định kiến rằng người khuyết tật "không làm ra tiền, vô dụng". Anh khẳng định: "Mình muốn người ta nhìn nhận tốt về mình thì đầu tiên mình phải sống tốt. Mình bán vé số hay làm nghề gì cũng được, cứ siêng năng và làm đúng đi đã, người ta sẽ bớt nói này nói nọ".